MECA 2021: Trao Cơ Hội Phát Triển Ngành Tự Động Hóa Cho Thế Hệ Trẻ
Ngày 14/5 vừa qua, chung kết MECA 2021 đã được diễn ra thành công tốt đẹp tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM.
>>> For English, please click here
Buổi chung kết có sự tham gia của Đại diện nhà tài trợ cuộc thi Mitsubishi Electric Việt Nam, các thầy cô đại diện các trường, 18 đội thi xuất sắc và toàn thể các cổ động viên từ 6 trường Đại học khu vực phía nam gồm: ĐH Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Trà Vinh, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp Tp.HCM, ĐH Hutech. Với quy mô được mở rộng, các đề tài tham dự cuộc thi phong phú và có nhiều cải tiến mang tính sáng tạo.
Các đại diện chụp ảnh lưu niệm tại chung kết MECA 2021
MECA (Mitsubishi Electric Cup Automation) là cuộc thi được diễn ra thường niên tại nhiều quốc gia thành viên của tập đoàn Mitsubishi Electric dành cho các sinh viên ngành tự động hóa, kỹ thuật điện-điện tử. Cuộc thi nhằm giúp sinh viên tiếp cận với các thiết bị và công nghệ tự động hoá hiện đại, đồng thời áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, tinh thần đồng đội, và khả năng sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ kỹ sư trẻ có năng lực để phát triển bền vững.
Không chỉ là sân chơi dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật, cuộc thi còn là sự kiện truyền cảm hứng và ươm mầm các tài năng trẻ ngành tự động hóa công nghiệp.
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, MECA 2021 phải dời lịch sang năm nay, nhưng cuộc thi vẫn hoàn thành theo kế hoạch đặt ra, nhờ vào sự nỗ lực của cả giáo viên, sinh viên và ban tổ chức. Với chủ đề “Factory Automation Smart Solution”, Chung kết MECA 2021 đã mang đến một bầu không khí năng động và nhiệt huyết.
Vượt qua 17 đội đến từ 6 trường đại học ở vòng chung kết, đội CT SPKT (trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã giành giải cao nhất MECA mùa 2.
Nhà vô địch CT SPKT đã thuyết phục ban giám khảo với chủ đề: Điều khiển và Giám sát phân loại ống nghiệp qua Webserver với mục tiêu phân loại các ống nghiệm chính xác, truy xuất nhanh, tối ưu hiệu suất tới nơi lưu trữ.
Sản phẩm sử dụng camera quét mã code, phân loại và quản lý thông tin mẫu bệnh phẩm về đúng nơi lưu trữ, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt với các mẫu bệnh phẩm có thể gây truyền nhiễm hoặc có số lượng lớn mỗi ngày, nhất là trong thế giới bình thường mới. Đây là một giải pháp có tính ứng dụng cao và được nghiên cứu bởi các em sinh viên.
Hai giải nhì thuộc về đội Beatrix và Phoenix của trường đại học Công Nghiệp TP.HCM với các đề tài lần lượt là “Máy đóng bao tự động” và “Mô hình nhà kho thông minh kết hợp bộ điều khiển PLC Mitsubishi và công nghệ thị giác máy tính”.
Đội Beatrix trường đại học Công Nghiệp TP.HCM
Đội Phoenix trường đại học Công Nghiệp TP.HCM
Và 3 giải ba được trao cho 3 đội:
- Đội DLP của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với đề tài “Xây dựng và điều khiển máy CNC dùng G-CODE trong mạng SSCNET, phân biệt cách thức gia công sản phẩm bằng mã vạch”.
- Đội MATT của trường Đại học Tôn Đức Thắng với đề tài “Smart Warehouse”.
- Đội A1 Automation của trường Đại học Công nghệ TP.HCM với đề tài “Ứng dụng mạng CC-LINK và GOT MOBILE điều khiển tự động cho nhà kính thông minh”.
Bên cạnh các giải chính, ban tổ chức cuộc thi trao thêm 4 giải phụ gồm: “Ứng dụng thông minh” (Đại học Cần Thơ), “Bảo vệ môi trường” (Đại học Trà Vinh), “Thiết kế ấn tượng” (Đại học Cần Thơ), và “Trình diễn xuất sắc” (Đại học Tôn Đức Thắng) nhằm khuyến khích sự phát triển kỹ năng toàn diện của sinh viên.
Mitsubishi Electric Việt Nam luôn tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ sinh viên các trường trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng của mình. Các nhóm sinh viên tham dự cuộc thi được tiếp cận và sử dụng những thiết bị lập trình, vận hành tiên tiến như bộ điều khiển lập trình, camera công nghiệp với độ nhận diện hình ảnh cao và phần mềm quản lý, vận hành GENESIS64 (trang bị đồ họa 3D, hiển thị trực quan tình trạng vận hành của thiết bị theo thời gian thực).
Các sản phẩm tự động hóa của Mitsubishi Electric VN
Phát biểu tại buổi lễ, TS Trần Nam Tú - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: “Tôi đánh giá cao và cảm ơn Mitsubishi Electric Việt Nam đã có những chính sách và hoạt động hỗ trợ giáo dục trong các trường đại học trong những năm qua. Sự thành công của MECA sẽ mang đến nhiều hiệu ứng tích cực cho học sinh. Mùa giải năm nay được mở rộng quy mô lên 6 trường trong khu vực miền nam. Đây là tin tốt cho các em sinh viên nói riêng và cho ngành tự động hóa nói chung. Các em sinh viên sẽ có một sự bắt đầu sớm hơn trên chặng đường học tập nghiên cứu, hỗ trợ cho tương lai. Tôi hy vọng Mitsubishi Electric Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cuộc thi MECA và mở rộng ra cấp quốc gia”.
Hiện thực hóa tư duy sáng tạo của sinh viên, hướng đến tương lai bền vững
Tự động hóa là một trong những chuyên ngành đào tạo nổi bật trong các trường đại học hiện nay. Rất nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề này gắn với sự phát triển tương lai của mình. Các bạn được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và tư duy đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, sinh viên các trường đại học chưa có nhiều cơ hội để triển khai ý tưởng thành các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế.
Mitsubishi Electric Việt Nam hy vọng thông qua cuộc thi, sinh viên kỹ thuật không chỉ tiếp cận các công nghệ tự động hóa, khái niệm e-F@ctory, mà còn có thể tư duy vượt ra ngoài những kiến thức hàn lâm đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Tìm hiểu thêm về MECA 2020
Tìm hiểu thêm về các hoạt động của chúng tôi dành cho sinh viên, học sinh tại đây