Điều hòa chính xác cho Data Center và những hiểu lầm thường gặp

Điều hòa chính xác cho Data Center và những hiểu lầm thường gặp


>>> For English please click here

Tổng quan

Thiết bị điều hòa mô hình hiện nay đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm qua. Một cải tiến lớn so với các thiết bị làm mát hàng thế kỷ trước là dùng quạt, hầm làm mát …, các thiết bị điều hòa hiện nay sử dụng mô hình của Carrier năm 1902 trong đó sử dụng cơ cấu bay hơi của môi chất và tương tác trao đổi với không khí qua các ống của bộ trao đổi nhiệt. Từ những năm 1930 các hệ thống điều hòa bắt đầu được tinh gọn và đưa vào sử dụng trong các tòa nhà làm việc ở Mỹ và phổ biến dần trên thế giới.

Máy điều hòa Carrier – 1902

Với nhu cầu kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ chính xác phục vụ trong các trạm điều khiển viễn thông từ những thập niên 1960 đã xuất hiện các hệ thống điều hòa chuyên dụng để kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ cho các môi trường này. Sự ra đời của hệ thống máy chủ tập trung “mainframe” của IBM thập kỷ 1970 đánh dấu một bước đột phát vĩ đại của nhân loại với kỷ nguyên của máy tính. Khái niệm Trung tâm dữ liệu (TTDL) được hình thành và nhu cầu sử dụng các hệ thống điều hòa chuyên dụng cho trung tâm dữ liệu được ra đời, với chức năng riêng biệt làm mát cho các thiết bị máy tính chuyên dụng, nhiệt độ thời điểm đó kiểm soát ở mức 21oC +/-1oC và độ ẩm luôn luôn ở mức 50% một cách nghiêm ngặt.

Nhờ vào sự phát triển của rất nhiều công nghệ bao gồm các công nghệ điều khiển chính xác, các hệ thống máy nén hiện đại, các mô hình biến tần, quạt, bơm … của các hãng như Comperland, Mitsubishi Electric, Carrier … các hệ thống điều hòa được nhiều hãng khác nhau cung cấp trên thị trường như Stulz, Uniflair (Schneider brand), Climaveneta (Mitsubishi Electric), APC (Schneider brand)…

 

Lịch sử phát triển điều hòa không khí tại Mitsubishi Electric

 

Điều hòa chính xác IT cooling của Mitsubishi Electric

Một số thuật ngữ phổ thông

  • Sensible Heat (Nhiệt hiện): được hiểu là phần công suất được phát ra nhằm mục đích thay đổi nhiệt độ (gây tăng giảm nhiệt độ).
  • Latent Heat (Nhiệt ẩn): được hiểu là phần công suất được phát ra để phực vụ sự thay đổi trạng thái (khí qua lỏng …). Quá trình này không gây ra sự tăng/giảm nhiệt độ (ẩn).
  • Total Cooling Capacity (Tổng công suất lạnh): được hiểu là tổng công suất của điều hòa gồm cộng cả hai nhiệt ẩn và nhiệt hiện cùng lúc.
  • Net/Gross (Công suất thực/Công suất toàn phần): Thông thường điều hòa khi phát ra công suất lạnh sẽ bị mất đi một phần do các yếu tố nội tại của điều hòa (như quạt, lọc gió …) nên công suất toàn phần của điều hòa sẽ lớn hơn khá nhiều so với công suất phát ra
  • SHR (Sensible Heat Ratio) (Hệ số nhiệt hiện): là chỉ số được tính bằng Công suất nhiệt hiện chia cho công suất toàn phần.
  • EER (Energy Efficiency Ratio) ( Hệ số hiệu suất năng lượng điều hòa): thường được tính bằng công suất lạnh/ công suất điện tiêu thụ của điều hòa được xác lập ở một điều kiện chuẩn cố định. Thông thường sẽ có hai kiểu đơn vị là Btu/kW hoặc KW/KW.
  • Air Flow (Lưu lượng gió): được tính theo đơn vị m3/giờ (hoặc/phút) với tổng dung tích gió được thổi ra từ hệ miệng hệ thống điều hòa ứng với một áp suất cụ thể.

 

Cấu tạo mô hình điều hòa thông dụng trong TTDL

Mô hình điều hòa thông dụng nhất trong TTDL phổ biến là mô hình máy điều hòa thổi sàn với cấu trúc tủ đứng và giải nhiệt bằng dàn nóng giải nhiệt ngoài trời.

 

Luồng khí nóng của tải nhiệt tỏa ra từ phía sau lưng thiết bị được điều hòa hút về từ phía bên trên, tái xử lý, tách ẩm tách bụi và làm lạnh sau đó được thổi phía dưới sàn và luồng khí lạnh được thổi ngược lên mặt trước của thiết bị.

 

Một số kiến trúc gió thổi và biến thể trong điều hòa chính xác

  • Kiến trúc gió thổi dưới sàn và một số biến thể phổ biến để chỉnh các góc gió cho phù hợp với hạ tầng mặt bằng TTDL.

 

 

  • Kiến trúc thổi gió trên thường gặp

 

 

Kiến trúc gió : Thổi trên – Hút Ngang

Kiến trúc gió : Thổi trên – Hút ngang dưới sàn

Kiến trúc gió : Hút ngang bên dưới và thổi ngang bên trên

Thích hợp : Không dùng sàn kỹ thuật và phòng độ cao thấp dưới 3m

Thích hợp : Sàn kỹ thuật lớn hơn 400mm (hoặc hút ở phòng bên dưới).

Thích hợp : Phòng nhỏ, không có sàn kỹ thuật

 

  • Các biến thể ít gặp khác của hướng thổi gió trên 

 

Một số hiểu nhầm phổ biến trong vấn đề hiệu suất và độ ổn định của điều hòa.

 

Có thể sử dụng điều hòa thương mại – dân dụng cho các phòng máy tính nhỏ

Không phải tất cả các phòng máy tính nhỏ đều thích hợp sử dụng điều hòa thương mại – dân dụng.

Khi công suất điện tiêu thụ trong phòng máy chủ là nhỏ dưới 3kW, có thể cân nhắc sử dụng các điều hòa dân dụng – thương mại khi các máy chủ thuộc về các hệ thống ít quan trọng hơn, và có thể chấp nhận gián đoạn hoặc bị giảm một phần hiệu năng khi nhiệt độ cao. Việc sử dụng các máy điều hòa này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn do giá thành hợp lý với phân khúc.

Khuyến nghị: Khi sử dụng máy điều hòa thương mại – dân dụng, trong các phòng máy tính nhỏ cần lưu ý bố trí phù hợp không gian lắp đặt hợp lý : gồm các hướng thoát nước, rủi ro máy lạnh chảy nước, ngăn ngừa bụi lọt vào phòng vì các máy lạnh dân dụng – thương mại không được thiết kế để làm vệ sinh, sửa chữa an toàn so với các hệ thống máy lạnh chuyên dụng. Các máy lạnh dân dụng và thương mại cần nâng cao tần suất bảo trì và kiểm tra định kỳ (có thể gắn thêm các hệ thống theo dõi hoặc máy dự phòng) do không được thiết kế để chạy suốt 24/24  trong nhiều tháng, hay nhiều năm.

Các phòng máy thường xuyên không có người giám sát vận hành thì không nên trang bị các hệ thống làm mát dân dụng do tiềm tàng các nguy cơ rò rỉ rước, cháy nổ, hư hỏng đột ngột không được dự báo trước.

 

Ảnh hưởng của môi trường bên ngoài (nhiệt độ và độ ẩm, ăn mòn, gió ..) là nhỏ và có thể dự trù

Suy nghĩ này là sai. Phần lớn các hệ thống điều hòa sẽ bị sụt giảm công suất lạnh khi môi trường bên ngoài có độ ẩm thấp hoặc nhiệt độ đặc biệt cao. Việc thiết bị có thể chạy được ở nhiệt độ cao không có ý nghĩa bằng tại nhiệt độ cao đó, thiết bị có thể duy trì được công suất tối thiểu bao nhiêu và sẽ có sự khác biệt rõ ràng với từng dòng máy, loại dàn nóng và phương thức lắp đặt. Một số nơi có thể gây sụt giảm 70-80% công suất khi nhiệt độ môi trường lên trên 40oC.

Khi lựa chọn thiết kế, người kỹ sư phải đảm bảo nếu nhiệt độ cao kéo dài tại khu vực lắp đặt, hệ thống điều hòa phục vụ cho TTDL phải giữ được công suất đảm bảo mức tối thiểu thiết kế. Nhiệt độ cao ở đây có thể được hiểu bao gồm cả 2 yếu tố “nền nhiệt không khí cao” hoặc” do bức xạ xung quanh (nắng chiếu thẳng dàn nóng)/hoặc nguồn nhiệt từ các hệ thống khác cộng vào. Gió thổi ngược dàn nóng trong điều kiện thời tiết nóng cũng sẽ làm giảm công suất của điều hòa, cần tính đến các yếu tố này tránh các hậu quả bất lợi.

 

Cụm dàn nóng giải nhiệt điều hòa Mitsubishi Electric tại FPT Fornix Data Center – Hà Nội

 

Các máy phải vận hành trong điều kiện khắc nghiệt sẽ nhanh chóng hư hỏng hơn so với các điều kiện vận hành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó hiệu suất lạnh sẽ bị tụt giảm và gây giảm công suất lạnh phát ra của thiết bị.

Khuyến cáo: Đối với các nước có mùa hè nóng kéo dài, công suất của điều hòa vẫn phải giữ mức tốt thiểu ở nhiệt độ môi trường nóng 40oC liên tục. Thiết kế lắp đặt dàn nóng tránh phả hơi vào nhau và phải có cơ cấu che nắng gắt vào dàn nóng. Các khu vực có khí hậu biển phải thiết kế phủ lớp chống ăn mòn giàn nóng do tiếp xúc thường xuyên với tác nhân ăn mòn mạnh.

   

Thiết kế cho TTDL tập trung chọn công suất nhiệt hiện càng cao càng tốt

Điều này trên thực tế là không đúng.

Điều hòa sẽ cung cấp một phần công suất dưới dạng nhiệt ẩn để thực hiện quá trình khử ẩm nếu độ ẩm của TTDL có độ ẩm thường xuyên cao hơn cài đặt trong một thời gian. Kể cả khi điều hòa được lựa chọn để vận hành với hệ số nhiệt hiện =1 (tức không có nhiệt ẩn), điều hòa vẫn sẽ tự cung cấp một phần công suất để khử ẩm tự nhiên nếu độ ẩm tụt ngoài dải thiết kế, hoặc thậm chí kích hoạt mạch khử ẩm chủ động.

Khi kích hoạt mạch khử ẩm chủ động, điều hòa sẽ tăng công suất máy nén, và kích hoạt bộ phận sấy nóng để hoàn trả độ ẩm và nhiệt độ về trạng thái ổn định. Chế độ khử ẩm chủ động vốn tiêu tốn điện năng cao hơn so với các chế độ khác của điều hòa.

Khuyến nghị: Trừ khi môi trường bên ngoài trung tâm dữ liệu có độ ẩm thấp hơn 50% trong thời gian rất dài, phần lớn người thiết kế phải lựa chọn hài hòa cả công suất nhiệt hiện và nhiệt ẩn, mức phổ biến nên lựa chọn là con số từ 5-10% công suất toàn phần phải là công suất nhiệt ẩn. Khi đó điều hòa sẽ hạn chế kích hoạt mạch khử ẩm chủ động vốn tiêu tốn điện năng hơn rất nhiều so với chế độ vận hành thông thường.

 

Thiết kế điều hòa cho TTDL không cần quan tâm đến lưu lượng gió

Điều này là sai. Lưu lượng gió của máy điều hòa thực ra phản ánh chính xác công suất cấp lạnh của máy điều hòa đến thiết bị.

Với một phòng máy chủ nhỏ, có công suất dưới 30kW, đôi khi chúng ta sẽ không cần quá bận tâm đến lưu lượng gió do máy điều hòa có công suất quạt đủ sức thổi đến mọi ngóc ngách của phòng.

Tuy nhiên khi thiết kế cho một trung tâm dữ liệu lớn, vì lưu lượng gió tối đa của máy lạnh sẽ là một con số giới hạn nên các yếu tố cần phải cân nhắc sẽ bao gồm:

+ Tính toán đủ lưu lượng cấp đến các vùng khác nhau của TTDL bao gồm phần bị hao hụt, mất mát trên đường vận chuyển xa.

+ Tính toán phân bổ đủ đến các khu vực cần thiết. Chẳng hạn một thiết bị điều hòa tạo ra 100m3/giờ, khi cấp đến hai khu vực khác nhau, mỗi khu vực cần 50m3/giờ thì về lý thuyết là máy điều hòa đó cấp là đủ. Nhưng nếu vì lý do phân phối khu vực đó lại bị cấp dư đến 80m3/giờ thì khu vực ở xa khuất còn lại sẽ chỉ còn 20m3/giờ. Nên khu vực ở xa sẽ bị nóng cục bộ.

+ Tính toán khả năng điều chỉnh lượng nhiệt đủ nhanh của hệ thống điều hòa. Nếu dung lượng điều hòa thấp, hoặc quá sát với ngưỡng cần thiết thì hệ thống sẽ mất nhiều thời gian để ổn định nhiệt độ. Thông thường TTDL sẽ vẫn phát ra nhiệt khi mất điện nguồn. Máy điều hòa sẽ tạm ngưng hoạt động, tuy nhiên UPS sẽ vẫn nuôi các hệ thống thiết bị vận hành sinh nhiệt, nên TTDL sẽ nóng lên rất nhanh. Khi có điện (máy phát/lưới) phục hồi hệ thống phải được thiết kế để kịp kéo toàn bộ TTDL xuống ngưỡng an toàn trước khi TTDL bị quá nhiệt gây tắt máy chủ và các thiết bị trọng yếu.

 

Máy nén biến tần/hoặc máy nén kỹ thuật số luôn có hiệu suất tốt hơn hẳn máy nén thông thường

Trên thực tế máy nén biến tần sẽ có đường cong hiệu suất tốt hơn với các mức tải thay đổi nhanh hoặc thiết kế sử dụng máy lạnh chạy với mức thấp.

Việc xem xét máy nén có tiết kiệm điện hơn phải xem xét các yếu tố: bước tải của máy nén ví dụ mức 25%, 50%, 75% hay 100% có khớp với các mức tải thực tế sử dụng.

 

Kết luận

Thiết kế và lựa chọn điều hòa cho các môi trường xử lý trọng yếu như TTDL, phòng sạch, phòng thử nghiệm…cần phải xem xét rất nhiều yếu tố liên quan trực tiếp đến môi trường vận hành đặc trưng của mỗi dự án để đảm bảo thiết kế đúng và không bị dư quá mức hoặc thấp hơn mức độ cần thiết. Có những thông số sẽ hợp lý với điều kiện và nhu cầu của dự án này, nhưng sẽ không hoàn toàn phù hợp với dự án khác. Người thiết kế cần nắm rõ các khái niệm quan trọng, và làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo có số liệu rõ ràng chính xác.

“Những nhà sản xuất lớn có uy tín luôn có các tư vấn chính xác, rõ ràng với các thông tin đáng tin cậy có thể kiểm chứng được. Đối với Mitsubishi Electric, với bề dày kinh nghiệm, hãng có thể cung cấp các giải pháp tổng thể tòa nhà để giải quyết nhiều vấn đề liên quan gián tiếp đến sự ổn định của hệ thống như các yếu tố phòng TTDL, yếu tố cả tòa nhà, khí hậu hoặc các thiết kế các thiết bị ngoại vi như chiller, tháp giải nhiệt và các thiết kế đặc biệt không gián đoạn lạnh theo các nhu cầu khác nhau” – ông Nguyễn Hoàng Đạt, chuyên gia giải pháp điều hòa cho Data center của Mitsubishi Electric Việt Nam.

 

Về Mitsubishi Electric

Tại Việt Nam, Mitsubishi Electric hướng đến việc cung cấp giải pháp làm mát hoàn chỉnh cho các trung tâm dữ liệu (TTDL) lớn và siêu lớn.

Điển hình là các TTDL như : FPT Tân Thuận, FPT Fornix đều là các TTDL đạt tiêu chuẩn Uptime Tier 3, với tổng công suất lên đến 1700KW lạnh. Hệ thống đáp ứng khả năng vận hành xuyên suốt 24/7/365 cùng với chính sách cung cấp vật tư dự phòng ngay tại công trình, đảm bảo sự yên tâm tuyệt đối cho khách hàng.

Điều hòa chính xác Mitsubishi Electric tại FPT Fornix Data Center – Hà Nội